Từ ngày 1-3/3/2016, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn sẽ diễn ra triển lãm về công nghệ xử lý, chế biến, đóng gói bao bì (Propak) và triển lãm công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam 2016 (Plastics & Rubber).
Theo nhiều doanh nghiệp, đây sẽ là diễn đàn giao thương tốt cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tiếp cận công nghệ và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam.
Công nghiệp bao bì đang tăng trưởng cao
Theo đánh giá của Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas), ngành đóng gói bao bì đang trở thành một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Hiện tại Việt Nam có hơn 900 nhà máy đóng gói bao bì, trong đó khoảng 70% tập trung tại các tỉnh thành phía Nam với nhiều lĩnh vực bao gồm đóng gói bao bì nhựa, carton/giấy, đóng gói kim loại và các loại khác.
Còn theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành bao bì nhựa đã phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Nguyên nhân là do ngành lương thực, thực phẩm có bước tăng trưởng tốt.
Một trong những lý do khiến cho ngành sản xuất bao bì phát triển là việc Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp ước quốc tế với nhiều nước như TTP, FTA, Việt Nam - EU…giúp sản lượng xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt là các ngành về thủy sản, dệt may, bánh kẹo…Theo các chuyên gia, với sự phát triển của nền kinh tế như vậy giúp cho các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực bao bì sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra tiềm năng và cơ hội trong lĩnh vực này bắt đầu đầu tư hoặc hợp tác với các công ty Việt Nam.
Trong khi doanh nghiệp trong nước có lợi thế về chi phí lao động thấp và nhu cầu nội địa cao, tuy nhiên đa phần lại có công nghệ thấp và lạc hậu, hiện chỉ có vài công ty có đủ khả năng đầu tư phát triển công nghệ để phát triển sản xuất bao bì cao cấp vì chi phí đầu tư cao. Khó khăn nhất của doanh nghiệp ngành bao bì và in ấn trong nước hiện nay là sự cạnh tranh khá khốc liệt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đặc biệt, ngành công nghiệp nhựa và cao su được đánh giá là tăng trưởng tốt trong thời gian qua, nhiều sản phẩm nhựa gia dụng Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và có lợi thế cạnh tranh lớn, nhất là với sản phẩm bao bì, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng, nhựa kỹ thuật…Tuy nhiên, ngành nhựa Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định như nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 20%-30%, chủ yếu là PVC, PET, PP, còn lại hơn 70% nguyên phụ liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, giá thành sản xuất luôn bị biến động theo giá nguyên liệu nhập khẩu từ thế giới và biến động theo tỷ giá ngoại tệ.
Hiện nay, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thêm nữa, vốn của các doanh nghiệp trong nước còn yếu nên chịu áp lực cạnh tranh trước các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về kỹ thuật, kinh nghiệm thị trường.
Ngoài ra, ngành nhựa trong nước cũng chưa có các cơ sở nghiên cứu, phát minh về công nghệ kỹ thuật, đội ngũ công nhân chưa có tay nghề cao, hệ thống đào tạo công nhân chưa có, chưa sản xuất được các chi tiết cao cấp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một vị trí cố định…
Đi thẳng vào công nghệ cao
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, ngành nhựa và cao su, bao bì của Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ bây giờ. Trong đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào thiết bị và công nghệ mới để tăng năng lực cũng như khả năng cạnh tranh. Sự phát triển phải được định hướng hiện đại hóa, tự động hóa quy mô lớn, từng bước loại bỏ thiết bị và công nghệ cũ để mở đường cho những đổi mới trong sản xuất.
Chẳng hạn, ngành nhựa cần huy động mọi nguồn lực trong nước và nguồn cung từ nước ngoài để tập trung sản xuất nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm, hóa chất và phụ gia. Đồng thời, cũng cần có chính sách khuyến khích việc tái chế chất thải và phế liệu từ công nghiệp nhựa để giúp cải thiện môi trường. Dự báo hiện nay cho thấy, trong tương lai nhu cầu sản phẩm đối với bao bì nhựa cao cấp từ thị trường quốc tế sẽ tăng mạnh. Do vậy, để tăng sức cạnh tranh với các mặt hàng nước ngoài như Thái Lan và Trung Quốc, doanh nghiệp cần chú trọng đến mẫu mã và kiểu dáng để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Trần Việt Dũng, Phó giám đốc công ty VCCI, cho biết chuỗi triển lãm lần này thu hút 510 doanh nghiệp tham gia, trong đó 350 doanh nghiệp tham gia triển lãm Propak và 160 doanh nghiệp tham gia triển lãm Plastics & Rubber.
Ngoài việc giới thiệu đến các nhà sản xuất những công nghệ tiên tiến, mới nhất hiện nay, chuỗi triển lãm còn diễn ra những buổi hội thảo như: Những cải tiến và cập nhật mới về an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và bao bì; kỹ thuật giám sát, kiểm định và loại trừ vết các hóa chất trong nước sử dụng trong công nghiệp thực phẩm…
Đây sẽ là cơ hội để cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước không chỉ tìm kiếm những sản phẩm và giải pháp công nghệ mới nhất mà còn là dịp để gặp gỡ, trao đổi và cùng chia sẻ với các chuyên gia trong và ngoài nước về những xu hướng mới đang phát triển như chế biến và đóng gói theo quy trình xanh, những thiết kế bao bì mới nhất và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến…nhằm nâng cao lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp mình.